07Th3/17
datacenter1 copy copy

Nhật Bản sẽ có siêu máy tính nhanh nhất thế giới

Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng siêu máy tính nhanh nhất thế giới, giúp một số ngành công nghiệp trong nước thực hiện những nghiên cứu quan trọng.

      

Theo Slashgear, dự án này do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Nhật Bản đứng đầu. Siêu máy tính này trị giá khoảng 173 triệu USD và có thể thực hiện 130 triệu tỷ phép tính mỗi giây (130 petaflops). Dự án sẽ bắt đầu ngay trong năm 2017.

Nếu đạt được mục tiêu 130 petaflops, nó sẽ vượt qua siêu máy tính Sunway Taihulight của Trung Quốc để trở thành siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Sau khi hoàn thành, máy tính sẽ phục vụ như là một nền tảng nghiên cứu cho các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm y tế, người máy, và ngành công nghiệp xe hơi tự lái.
Siêu máy tính sẽ giúp Nhật lấy lại vị thế đã mất trong một thị trường ngày càng cạnh tranh.
Siêu máy tính này có tên AI Bridging Cloud Infrastructure (ABCI) và đang tiến hành giai đoạn đấu thầu. Một số suy đoán rằng Fujitsu sẽ phụ trách dự án do hãng cũng hiện đang sở hữu siêu máy tính nhanh nhất hiện nay của Nhật Bản là Oak Forest-PACS với khả năng tính toán 13,6 triệu tỉ phép tính mỗi giây.
Sau khi hoàn thành, các công ty sẽ phải trả tiền để sử dụng các siêu máy tính này.

Nguồn tin: thanhnien.vn

07Th3/17
SONY DSC

Những tuabin gió sáng tạo trong thiết kế

Vừa qua, Hiệp hội Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố nguồn năng lượng tái tạo trên toàn cầu lần đầu tiên vượt qua năng lượng than, trong đó năng lượng gió chiếm một tỷ lệ lớn. Hiện nay, những sáng kiến công nghệ mới trong thiết kế tuabin gió không còn là bí ẩn và trở thành hình thức phát triển nhanh nhất các nguồn năng lượng sạch. Các kỹ sư đã phát triển thiết bị mới hiệu quả hơn, an toàn hơn cho con người và động vật.

1.Tuabin gió bão đầu tiên trên thế giới

Tuabin gió bão (typhoon) được phát minh bởi Atsushi Shimizu nhằm khai thác một lượng lớn năng lượng chứa trong các cơn bão thường đổ bộ vào Nhật Bản. Ông ước tính một con bão chứa nguồn năng lượng khổng lồ có thể cung cấp năng lượng cho quốc gia trong 50 năm nếu được khai thác.

Hệ thống này được thiết kế đủ sức chống chọi lại với sức gió khủng khiếp từ các cơn bão, có hệ thống trục đẳng hướng và có thể tùy chỉnh tốc độ quay của cánh quạt. Các thử nghiệm đã được tiến hành và cho những kết quả hứa hẹn. Hiện Shimizu đang làm nhiệm vụ kết nối với các nhà đầu tư để xây dựng các phiên bản thực tế lớn hơn với hy vọng một ngày không xa trong tương lai sẽ có thể sử dụng năng lượng từ các cơn bão để cung cấp cho mạng lưới điện quốc gia.

2. Tuabin lai gió và nước


Bằng cách nào để một tuabin gió tạo ra điện khi không có gió?

Chắc chắn rằng với các tuabin truyền thống điều này đơn giản là không thể, nhưng một dự án mới từ Max Bögl Wind AG và GE Renewable Energy cho phép kết nối tuabin cánh truyền thống với công nghệ thủy điện để tạo ra máy phát điện năng lượng lai đầu tiên trên thế giới – kết hợp năng lượng gió và nước. Thiết bị nằm trong dự án Swabian-Franconian Forest của Đức sẽ khởi đầu với 4 tuabin gió có công suất 13,6 MW. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ kết nối với hệ thống lưới điện trong năm tới, và giai đoạn hai sẽ thêm một nhà máy thủy điện công suất 16MW dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.

3. Tuabin gió trên không trung 


Trong khi hầu hết các dự án năng lượng gió được đặt vững chắc trong lòng đất hoặc trên biển, một số sáng kiến gần đây đã đưa các tuabin lên trên bầu trời, nơi gió di chuyển nhanh nhất. Tuabin gió trên không đầu tiên ra mắt vào năm 2014 tại Fairbanks, Alaska có tên gọi BAT-Buoyant Airborne Turbine do MIT Altaeros Energies thiết kế và xây dựng, đặt ở độ cao 1000 feet (tương đương 300m) nhờ khí heli và có hình dạng như một khinh khí cầu hình trụ khổng lồ. Tuabin gió này tận dụng được nguồn năng lượng gió mạnh hơn từ 5-8 lần so với ở mặt đất. Thí nghiệm trong 18 tháng đã tạo ra đủ năng lượng cho hàng chục hộ gia đình. Do lợi thế vị trí cao, hệ thống BAT cũng có thể cũng truyền tín hiệu WiFi và di động, cũng như các cảm biến thời tiết.

4. Tuabin gió không cánh


An toàn cho chim khi bay gần các tuabin gió là một vấn đề nan giải. Để giảm bớt sự nguy hiểm, các kỹ sư đã tạo ra máy phát điện Vortex Bladeless, có hình dáng như một cọng rơm lớn, mỏng thay vì các lưỡi quạt như thông thường, giúp thu hoạch năng lượng từ các xoáy gió di chuyển trong không khí. Do hệ thống này chiếm diện tích nhỏ nên một số có thể được lắp đặt trong các không gian của tuabin một lưỡi quạt đảm nhận. Người sáng lập Vortex Bladeless nhấn mạnh thiết bị giúp cắt giảm chi phí sản xuất 53%, chi phí bảo trì 80% so với tuabin truyền thống.

5. Tuabin gió kiểu phễu


Tuabin gió sáng tạo này có khả năng sản xuất năng lượng nhiều hơn 600 lần so với cối xay gió truyền thống. Tuabin SheerWind Invelox là một máy phát điện năng lượng gió dạng hình phễu, khai thác gió ở mặt đất và làm tăng tốc độ của gió bên trong nhờ cấu trúc hình phễu thu nhỏ và nhiều nút thắt đột ngột. Hệ thống có thể hoạt động ngay cả trong điều kiện gió thấp và do không có cánh bên ngoài quay với tốc độ cao nên không gây nguy hiểm cho động vật hoang dã tại địa phương. Thiết bị này cũng ít tốn kém chi phí xây dựng hơn so với những tuabin gió truyền thống.

6. Tuabin gió thân thiện với chim trời


Đây là một trong những thiết kế lâu đời nhất trong danh sách này, do cựu chiến binh Raymond Green 89 tuổi cũng là một người yêu chim thiết kế vào năm 2012. Ông đặt tên máy phát điện năng lượng gió này là Catching Wind có hình dạng như một chiếc phễu và loa khổng lồ. Gió sẽ vào và sau đó được nén lại để tạo ra năng lượng nhiều hơn tại các tuabin bên trong. Tuabin gió này không có bộ phận chuyển động bên ngoài nên không đe dọa cho các loài chim khi chúng bay ngang qua. Green đã mở rộng hệ thống này và hy vọng rằng cả dân cư và các khu công nghiệp có thể tạo ra năng lượng tái tạo mà không gây nguy hiểm cho các loài chim.

Tác giả bài viết: Trung Hiếu
Nguồn tin: vnreview.vn

10Th2/17
tin tuc -sk 64-21122016

70 năm sư phạm Việt Nam, đổi mới và phát triển

Sáng 21-12, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Cựu Giáo chức Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “70 năm sư phạm Việt Nam, đổi mới và phát triển”. Tham dự Hội thảo có nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đại diện các trường, khoa sư phạm, các Sở GD&ĐT, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.


Các đại biểu tham dự hội thảo

Chặng đường 70 năm của ngành sư phạm

Ngày 8/10/1946, Chính phủ đã ký sắc lệnh về việc thành lập ngành sư phạm, trong đó quy định thành lập trường sư phạm các cấp: sơ cấp, trung cấp và cao cấp. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành sư phạm Việt Nam.

Quá trình phát triển của ngành sư phạm trong 70 năm qua gắn với 4 giai đoạn quan trọng của đất nước. Đó là giai đoạn sau ngày toàn quốc kháng chiến (1946-1954), giai đoạn từ sau hòa bình lập lại (1954-1975), giai đoạn sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-1985) và giai đoạn 30 năm đổi mới (1986-2016). Trong mỗi giai đoạn lịch sử lại ghi nhận những bước trưởng thành cũng như đóng góp to lớn của ngành sư phạm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.


Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều bài học quý giá trong suốt chặng đường 70 năm đã được chia sẻ. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiếm có một đất nước nào, một dân tộc nào, một chính phủ nào triển khai việc xóa mù chữ thành công trong một thời gian ngắn như ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Bình dân học vụ là một bài học quý báu, ở đó người chưa biết chữ dạy người biết chữ.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, việc ra đời Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc đã cho thấy sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục nói chung và ngành sư phạm nói riêng.

Chia sẻ về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên của sự nghiệp giáo dục cách mạng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, ông Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Cán bộ tiểu ban giáo dục R (Trung ương cục miền Nam) khẳng định: Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ và giáo viên thời kỳ chống Mỹ cứu nước là một trang sử đẹp, xứng đáng được ghi vào lịch sử ngành sư phạm của cả nước. Những bài học kinh nghiệm từ thời kỳ đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.


NGND.TS Đặng Huỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam,
nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo

Chặng đường 30 năm đổi mới, NGND.TS Đặng Thị Huỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là giai đoạn củng cố, phát triển và sắp xếp lại hệ thống sư phạm để đến hiện nay, cả nước có 114 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục sư phạm, trong đó có 9 trường ĐHSP, 5 trường ĐHSPKT, 01 trường đại học giáo dục, 01 trường học viện cán bộ quản lý giáo dục, 33 trường CĐSP, 47 khoa/ngành sự phạm trong các trường đại học đa ngành, 18 khoa/ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành, 02 trường trung cấp sư phạm và 03 cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lí cơ sở giáo dục.

Nhìn lại 70 năm ngành sư phạm Việt Nam, như ý kiến của nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục tại hội thảo, nhất thiết phải đổi mới tư duy giáo dục, từ đó thay đổi cách làm giáo dục. Phải thấy giáo dục và văn hóa là các hệ thống xã hội mà mục đích tột cùng đều là xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ngành sư phạm trước yêu cầu đổi mới và hội nhập

Tham luận tại hội thảo, GS.VS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhìn nhận: Gần đây kinh tế thị trường phát triển mạnh, tuyển sinh vào các trường sư phạm khó khăn, lương nhà giáo vào loại rất thấp. Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giáo viên nhìn chung có vấn đề, như vấn đề chuẩn nhà giáo (nhất là ở đại học), cũng có vấn đề về đạo đức, tuy chỉ với số rất ít.


GS.VS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam,
nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục phát biểu tại hội thảo

GS.VS Phạm Minh Hạc cũng nhấn mạnh: Từ năm học 2016-2017, vấn đề giáo viên nổi lên là nhiệm vụ thứ hai của ngành giáo dục. Đây là việc đúng, vì nếu nhiệm vụ này không được giải quyết thấu đáo sẽ khó thực hiện được sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Với quan điểm muốn giáo dục phát triển, trước hết cần có đội ngũ thầy cô chất lượng tốt, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đến lúc cần sắp xếp lại hệ thống sư phạm trong cả nước, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng định kỳ theo chu trình bắt buộc; thay đổi cơ chế tài chính trong đào tạo, tài chính tính theo chương trình đào tạo chứ không tính trên đầu sinh viên; đào tạo gắn với nhu cầu xã hội thông qua điều tra tổng thể và dự báo số lượng; đào tạo mở; các trường sư phạm phải thay đổ quyết liệt về chương trình đào tạo, mô hình đào tạo.


GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu tham luận

Là cái nôi đào tạo giáo viên cho các tỉnh miền núi phía Bắc, trước thực trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Duy Lương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc nêu quan điểm: Phải có kế hoạch sát thực với nhu cầu nhân lực phát triển giáo viên của địa phương, khu vực. Kiên quyết dẹp bỏ nạn “lạm phát” giáo sinh, giáo sinh ra trường phải có chất lượng thực sự. Chất lượng giảng viên cũng phải được nâng lên. Thu hẹp và củng cố lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên cũng là cách nâng cao chất lượng và tránh lãng phí.

Trước thực trạng của ngành sư phạm, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục (Bộ GD&ĐT), Giám đốc chương trình phát triển các trường sư phạm cho biết: Thời gian tới phát triển hệ thống sư phạm sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, sắp xếp các cơ sở đào tạo giáo viên thành một hệ thống theo hướng lấy các cơ sở đào tạo sư phạm truyền thống, có thế mạnh và tiềm năng làm hạt nhân; đổi mới chương trình, giáo trình, mô hình đào tạo và phương pháp dạy học; khai thác, sử dụng có hiệu quả đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục tại các trường đại học sư phạm và học viện quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong nước và từng bước hội nhập quốc tế.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục từ chú trọng nội dung kiến thức sang phát triển năng lực người học, chuyển từ trọng tâm phát triển về số lượng sang coi trọng phát triển về chất lượng, đồng thời phát triển về quy mô, số lượng. Sứ mệnh đó của sự nghiệp giáo dục phụ thuộc phần lớn vào ngành sư phạm, các trường sư phạm vì không thể có chất lượng giáo dục tốt nếu không có thầy tốt, và không thể có thầy tốt nên không có hệ thống các trường sư phạm đảm bảo chất lượng.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai nhiều chủ trương để phát triển ngành sư phạm và gần đây một hội thảo về chuẩn nghề nghiệp giáo viên do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì đã được tổ chức để tiếp tục hoàn thiện chuẩn của giáo viên phổ thông, mầm non, chuẩn của hiệu trưởng phổ thông và chuẩn của giảng viên đại học.

Theo đó sẽ giao cho các trường đại học sư phạm hàng đầu là đơn vị nòng cốt trong việc xây dựng hệ thống chuẩn để Bộ ban hành. Bộ cũng đã thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, trong đó có các trường đại học trọng điểm hàng đầu của quốc gia để đóng vai trò đầu tàu về đào tạo và đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo để từng bước có được một đội ngũ giáo viên vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

10Th2/17
img_6432

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát động Tết trồng cây trong toàn ngành Giáo dục

Với lời kêu gọi “mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên trong cả nước hãy lựa chọn, trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh phù hợp với điều kiện của từng cá nhân, từng gia đình, từng nhà trường, từng vùng, từng địa phương”, chiều 4/2 (tức mùng 8 Tết Đinh Dậu), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát động Tết trồng cây trong toàn ngành Giáo dục. 

Trong bài phát biểu phát động, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhắc lại sự kiện cách đây 58 năm, trong bài viết “Tết Trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân ngày 28 tháng 11 năm 1959, sau khi phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân tham gia Tết Trồng cây.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát động Tết trồng cây trong toàn ngành Giáo dục

Ngày nay, trong bối cảnh trái đất có xu hướng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đang đe dọa cuộc sống của con người trên trái đất, đòi hỏi phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia, thì việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa to lớn và hết sức quan trọng.

“Trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thực hiện lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, để bảo vệ môi trường, chống hiệu ứng nhà kính, làm sạch không khí, cung cấp oxy, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, chống xói mòn đất, chống gió cát, bảo vệ ruộng đồng, bảo vệ trẻ em khỏi các tia cực tím, cung cấp thực phẩm và đặc biệt là tạo bóng mát phủ xanh trường học, thôn xóm, đô thị, vùng đất trống, đồi trọc, Bộ trưởng đề nghị, các nhà trường quan tâm thường xuyên tới việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng một môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, trong lành cho các em sinh thân yêu. Hãy chọn việc bảo vệ, trồng và chăm sóc cây xanh làm điểm tựa, đòn bẩy cho các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường và giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các em học sinh trồng cây xanh tại Lễ phát động

Để tiếp tục thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ và nhiệt liệt hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa phát động: “Tất cả người dân Việt Nam trong dịp xuân Đinh Dậu 2017 hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng. Mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kêu gọi mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên trong cả nước hãy lựa chọn, trồng và chăm sóc ít nhất một cây xanh phù hợp với điều kiện của từng cá nhân, từng gia đình, từng nhà trường, từng vùng, từng địa phương.

10Th2/17
2-imo

Đội tuyển toán Việt Nam dẫn đầu cuộc thi quốc tế

Đội tuyển quốc gia Việt Nam xuất sắc giành tới 24 huy chương trong kỳ thi toán và khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi (IMSO) 2016 được tổ chức tại Indonesia.


Đội tuyển Việt Nam chụp ảnh cùng Chủ tịch IMOS quốc tế

Theo thông tin từ IMSO Việt Nam, đoàn học sinh Việt Nam đã giành 7 huy chương vàng, 12 huy chương bạc và 5 huy chương đồng.

Trong đó, đội tuyển toán có 7 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Với thành tích đó, đội tuyển toán đã xuất sắc lần đầu tiên đạt vị trí xếp hạng cao nhất toàn đoàn. 7 học sinh giành huy chương vàng gồm: Cao Thúy An, Nguyễn Khánh Nam, Nguyễn Nhật Minh (học sinh lớp 6, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam); Giang Khánh Chi, Ngô Quý Đăng (học sinh Trường THCS Archimedes Academy); Lê Đức Minh (học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm) và Phạm Việt Hưng (học sinh Trường THCS Ngôi sao Hà Nội).

Đội tuyển khoa học xếp thứ 5 toàn đoàn với 10 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.

Kỳ thi IMSO dành cho học sinh 11-12 tuổi lần thứ 13 được tổ chức trong các ngày từ 9-13.11 tại thành phố Tangerang, Indonesia với sự tham gia của hơn 400 thí sinh đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những đội mạnh như: Trung Quốc, Singapore, Bulgaria, Hà Lan, Iran, Đài Loan…

Đây là năm thứ hai học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi này. Năm 2015, lần đầu tiên tham dự nhưng 31/32 học sinh đều giành huy chương. Đề thi của IMOS được các nhà chuyên môn đánh giá cao về tính khoa học cũng như tính thực tiễn ở cả ba phần thi tìm đáp án, tự luận và khám phá.

Thí sinh dự thi phải tự đọc đề và làm bài thi bằng tiếng Anh. Thí sinh thi toán phải trải qua 3 phần thi: trắc nghiệm viết đáp số (25 bài/60 phút); tự luận (13 bài/90 phút) và khám phá (6 bài/120 phút). Các thí sinh thi khoa học dự thi 2 phần: lý thuyết và thực hành với 3 môn thi vật lý, sinh học và hóa học.